Tăng huyết áp được coi là căn bệnh giết người thầm lặng. Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy có khoảng 50% người bệnh chủ quan, không biết mình mắc bệnh do không có triệu chứng điển hình.
Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỉ lệ thấp.
Cứ 4-5 người có 1 người tăng huyết áp
TS Trần Hòa, phó trưởng khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp. Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp.
“Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…”, bác sĩ Hòa cho hay.
Mới đây, anh N.N.S. (45 tuổi, Tiền Giang) đến bệnh viện khám trong tình trạng gặp phải các biến chứng của tăng huyết áp. Cách đây hai năm, anh S. phát hiện tăng huyết áp kèm đái tháo đường khi khám sức khỏe định kỳ, đang theo dõi điều trị tại bệnh viện địa phương.
Vì công việc bận rộn, anh S. thường quên uống thuốc, gần đây anh thường xuyên bị các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, không kiểm soát được huyết áp, đồng thời anh lên cân khá nhiều trong sáu tháng qua.
Để điều chỉnh huyết áp cho người bệnh, các bác sĩ chỉ định anh phải uống thuốc đều đặn để tránh các biến chứng xảy ra.
Tương tự, mới đây do thường xuyên đau dạ dày, chị P.T.H. (Đồng Nai) đến một bệnh viện tại TP.HCM để nội soi và kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Khi kiểm tra sức khỏe, huyết áp của chị liên tục cao. Sau khi có kết quả thăm khám các bác sĩ cho biết chị mắc phải chứng loét dạ dày kèm theo tăng huyết áp.
Vì sao trẻ hóa?
Bác sĩ Nguyễn Thái Yên, phó khoa tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết hiện nay bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa.
Tại bệnh viện nếu như trước kia bệnh hay xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên thì hiện nay thường gặp ở những người trên 45 tuổi.
Những yếu tố nguy cơ hiện nay làm gia tăng số người mắc tăng huyết áp và khiến bệnh trẻ hóa là do lối sống tĩnh lại, lười vận động, ăn uống không lành mạnh, béo phì, rượu bia, thuốc lá, căng thẳng, thói quen ăn mặn, người dân quan tâm đến sức khỏe hơn…
Ngoài ra một số bệnh lý nội tiết khác cũng gây tăng huyết áp như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai…
“Nếu tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị kịp thời, đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra một số bệnh lý sau này, đặc biệt là bệnh lý mạch vành (động mạch nuôi dưỡng tim). Hiệu quả điều trị bệnh phụ thuộc vào tuân thủ điều trị của người bệnh”, bác sĩ Yên cho hay.
Bác sĩ Yên khuyến cáo, những người có tiền căn gia đình mắc phải bệnh tăng huyết áp hoặc mạch vành, thế hệ sau cần phải kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm để thay đổi lối sống.
Cụ thể như vận động thể lực nhiều hơn, mỗi ngày đi bộ, chạy bộ từ 30-45 phút, ưu tiên nhiều cho chế độ ăn có rau và ăn cá. Ngoài ra, cần tập thói quen ăn nhạt như: không chấm muối khi ăn trái cây, hạn chế chấm nước tương, nước mắm với thực phẩm chế biến xào, tập thói quen nêm gia vị nhạt.
Bác sĩ Trần Hòa cho biết thêm để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Cần tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Người bệnh có huyết áp đã điều trị ổn định chỉ cần tái khám mỗi tháng hoặc thậm chí ba tháng mới cần gặp bác sĩ.
Tuy nhiên, người bệnh tăng huyết áp có kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân – béo phì… có thể là đối tượng có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch.
Vì vậy người bệnh cần tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan đến bệnh lý của mình để bác sĩ điều chỉnh các yếu tố đồng mắc này, giúp các chỉ số sức khỏe luôn ở mức ổn định, góp phần phòng ngừa các biến cố tim mạch một cách hiệu quả.
Chỉ số bao nhiêu là tăng huyết áp?
Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cũng có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong hai trị số: huyết áp tâm thu (số trên) 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.
Ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy… nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.