Nhiều năm nay M. (26 tuổi, Quảng Bình) thường xuyên ngứa ngoài da. M. bất ngờ khi bác sĩ thông báo có 7 loại giun sán trong người.
M. cho hay ban đầu nghĩ mình mắc bệnh ngoài da nên bôi nhiều loại thuốc không đỡ. Người quen mách có thể mắc bệnh về gan nhưng uống thuốc cũng không khỏi.
Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện ở gần nhà không thấy thuyên giảm, M. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khám.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu – khoa nhiễm khuẩn tổng hợp bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với 7 loại giun sán phổ biến: sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.
“Bệnh nhân chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi. Tuy nhiên thường ăn rau sống. Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân này nhiễm trứng giun sán.
Do M. nhiễm nhiều loại giun sán cùng một lúc nên sẽ được điều trị bằng 3 – 4 loại thuốc giun sán trong thời gian 21 ngày. Sau khi khỏi một loại giun sán sẽ giãn cách 1-2 ngày rồi tiếp tục điều trị loại khác. May mắn bệnh nhân mới có tổn thương ở da, chưa phát hiện tổn thương tại cơ, não hay các bộ phận khác”, bác sĩ Thiệu cho hay.
Theo bác sĩ Thiệu, hầu hết các bệnh nhân đều mắc đồng thời nhiều loại giun sán. Bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan bé có thể chịu tổn thương tại gan, tăng men gan, áp xe gan, trở nên chán ăn và mệt mỏi. Nhiễm giun đũa chó mèo lại gây ngứa dai dẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Thậm chí các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây động kinh, co giật.
“Trước đây độ tuổi mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng nhiều nhất là trẻ nhỏ do thói quen cho tay vào miệng. Tuy nhiên, hiện nay mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao do thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh như ăn đồ sống.
Bên cạnh đó tỉ lệ mắc bệnh giun sán, ký sinh trùng cũng tập trung theo vùng miền. Ở vùng người dân thường ăn gỏi, ăn đồ sống chưa qua chế biến hay cư dân miền biển, ăn nhiều món hải sản tươi sống nên tỉ lệ mắc bệnh thường cao hơn.
Trong đó nguyên nhân mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng 99% đến từ thói quen ăn uống, số ít còn lại có thể lây nhiễm qua da từ thói quen đi chân trần”, bác sĩ Thiệu thông tin.
Phòng ngừa bệnh do giun sán, ký sinh trùng
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc: ăn chín, uống sôi; vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo; uống thuốc giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ); thường tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng.
Khi có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun sán, ký sinh trùng nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt.